VPS là mô hình máy chủ được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực lập trình nói chung và lập trình web nói riêng. Đây là một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp, người dùng cá nhân tối ưu chi phí vận hành, có thể lưu trữ dữ liệu, vận hành website, ứng dụng… một cách an toàn, thuận lợi. Trong bài viết này, bạn hãy cùng Học Viện Công Nghệ Thông Tin – Hướng Nghiệp Á Âu - BiBi.edu.vn tìm hiểu VPS là gì cùng cách thức hoạt động, ưu và nhược điểm của loại hình máy chủ này nhé!
VPS là mô hình máy chủ ảo, được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực lập trình (Ảnh: Internet)
VPS là gì?
Virtual Private Server (viết tắt là VPS) là máy chủ được tạo ra bằng công nghệ ảo hóa dựa trên phần cứng của một máy chủ vật lý. Theo đó, máy chủ vật lý sẽ được chia thành nhiều máy ảo hoạt động độc lập, sở hữu đầy đủ thông số, cấu hình như RAM, CPU, bộ nhớ… và có cả hệ điều hành riêng.
Tuy dùng chung tài nguyên từ một hệ thống, nhưng các VPS lại không ảnh hưởng lẫn nhau. Do đó, người dùng sẽ có toàn quyền sử dụng, quản lý, cài đặt mọi phần mềm, ứng dụng hoặc thiết lập cấu hình VPS theo ý muốn để phục vụ công việc của mình.
VPS được tạo nên bằng cách chia máy chủ vật lý nhiều máy ảo hoạt động độc lập (Ảnh: Internet)
VPS được dùng để làm gì?
VPS là mô hình máy chủ được nhiều doanh nghiệp, công ty và cả người dùng cá nhân lựa chọn sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Một số ứng dụng của VPS có thể kể đến như:
Lưu trữ website, forum… đa dịch vụ
Một trong những ứng dụng phổ biến nhất của VPS là lưu trữ các website, diễn đàn… đặc biệt là những trang web nhiều tính năng, yêu cầu bảo mật cao và có lượng truy cập lớn. Với khả năng tùy biến dễ dàng cùng nhiều tài nguyên, tiện ích, VPS cho phép bạn tối ưu hóa phần mềm, giúp website hoạt động ổn định, nhanh chóng và bảo đảm an toàn khỏi các nguy cơ xâm nhập hoặc tấn công từ bên ngoài.
Sử dụng VPS giúp người dùng và các doanh nghiệp có được hệ thống máy chủ mạnh mẽ mà không tốn nhiều thời gian, chi phí đầu tư, lắp đặt và vận hành. Điều này mang lại lợi ích về mặt kinh tế, tạo điều kiện để bạn có thể tập trung phát triển sản phẩm một cách tốt nhất.
Các lập trình viên thường sử dụng VPS để lưu trữ các website (Ảnh: Internet)
Làm máy chủ game, Phát triển các ứng dụng, phần mềm
Sử dụng VPS để vận hành game server hoặc xây dựng phần mềm là phương án thường được các lập trình viên, nhà phát triển sử dụng. Với những trò chơi có độ hot cao, lượt truy cập hằng ngày sẽ rất lớn, do đó hệ thống máy chủ cần có dung lượng và khả năng xử lý tốt để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Ngược lại, với những studio có ngân sách hạn chế, việc sử dụng VPS thay vì thuê một máy chủ vật lý sẽ giúp bạn giảm tải áp lực tài chính, nhất là trong giai đoạn đầu khi số lượng người chơi chưa cao.
Thông thường khi phát triển phần mềm… các lập trình viên cần có một môi trường ảo để tối ưu hóa quy trình làm việc, nghiên cứu, phân tích và lập trình sản phẩm. Họ cũng thường xuyên kiểm thử chương trình, thực hiện các bài kiểm tra đến khi đạt được kết quả mong muốn. Do đó, máy chủ ảo là giải pháp hợp lý và tiết kiệm, cung cấp hệ thống riêng biệt, có nhiều tài nguyên để phục vụ tốt nhất cho quá trình triển khai dự án của các developer.
Lưu trữ tài nguyên, backup dữ liệu
Nhờ vào độ linh hoạt, khả năng mở rộng, nâng cấp dễ dàng cùng tính bảo mật cao, VPS là giải pháp hoàn hảo để bạn sao lưu dữ liệu. Bạn có thể thiết lập, cấu hình máy chủ ảo theo ý muốn, từ đó tạo nên không gian để lưu trữ đa dạng tài liệu, hình ảnh, video, âm thanh, file backup data… VPS còn giúp bạn dễ dàng truy cập và chia sẻ thông tin đến người dùng khác ở bất kỳ đâu.
Người dùng có thể lưu trữ dữ liệu, backup data trên VPS (Ảnh: Internet)
Làm máy chủ VPN hoặc email doanh nghiệp
VPS giúp doanh nghiệp tạo nên những email server riêng nhằm đảm bảo an toàn thông tin, dễ dàng quản lý dung lượng lưu trữ, tăng cường hiệu quả công việc và nâng cao hình ảnh khi làm việc với các đối tác, khách hàng.
Với sự hỗ trợ của các phần mềm như OpenVPN, VPNbook, bạn có thể sử dụng VPS để xây dựng mạng riêng ảo (VPN) phù hợp với nhu cầu và mong muốn của bản thân, từ đó tiết kiệm chi phí mua VPN từ những nhà cung cấp, đồng bộ IP giữa các thiết bị và bảo mật kết nối của bạn khi truy cập Internet.
Ưu và nhược điểm của VPS là gì?
Như nhiều loại hình máy chủ khác, VPS cũng mang trong mình những ưu điểm và nhược điểm riêng, cụ thể như sau:
Ưu điểm của VPS
Tiết kiệm chi phí
So với việc sử dụng một máy chủ riêng (dedicated hosting server), VPS giúp các nhà phát triển tiết kiệm ngân sách hơn mà vẫn đảm bảo có lượng tài nguyên phù hợp để triển khai, vận hành các dự án, website một cách ổn định, mượt mà.
Tính bảo mật cao
Mỗi VPS là một không gian hoạt động độc lập, được bảo vệ bởi tường lửa cùng nhiều công nghệ mã hóa. Vì vậy, dữ liệu lưu trữ trên VPS sẽ được đảm bảo an toàn. Trong trường hợp một máy chủ ảo cùng hệ thống bị tấn công mạng, bạn cũng không cần lo lắng đến vấn đề lây nhiễm virus hay xâm nhập trái phép bởi các VPS không bị ảnh hưởng lẫn nhau.
Tính bảo mật cao là một trong những ưu điểm nổi bật của VPS (Ảnh: Internet)
Hiệu suất vượt trội so với Shared Hosting
Khi sử dụng shared hosting, website của bạn sẽ được “đặt chung chỗ” với nhiều trang web khác trên một server. Điều này gây ra những hạn chế như bạn sẽ phải chia sẻ tài nguyên máy chủ với những người dùng khác, không thể cài đặt phần mềm, hệ điều hành riêng…
Tuy nhiên, nếu sử dụng VPS, những yếu tố trên sẽ hoàn toàn biến mất bởi bạn sẽ được cung cấp một máy chủ ảo riêng với đầy đủ các thông số như CPU, bộ nhớ, dung lượng ổ đĩa, RAM… Đây là lợi thế lớn, giúp bạn có thể tận dụng tối đa sức mạnh của tài nguyên để vận hành website hiệu quả.
Có quyền quản trị cao nhất
Bạn sẽ có quyền truy cập cao nhất (root) vào VPS do mình sở hữu. Điều này giúp bạn dễ dàng sửa đổi file, thay đổi cấu hình, cài đặt các phần mềm mong muốn… và kiểm soát toàn bộ hệ thống để phục vụ công việc tốt nhất.
Dễ dàng nâng cấp
Một trong những ưu điểm của VPS là dễ dàng nâng cấp cấu hình để đáp ứng nhu cầu cụ thể. Bạn chỉ cần nâng cấp gói dịch vụ từ nhà cung cấp là đã có thêm tài nguyên để sử dụng mà không cần chuyển máy chủ hay chuyển dữ liệu.
Nhược điểm của VPS
Mức giá cao hơn Shared Hosting
Với nhiều tính năng, cấu hình cùng ưu điểm vượt trội, không lạ khi VPS có giá thành cao hơn shared hosting. Do vậy, bạn cần xác định rõ quy mô của dự án, sản phẩm để lựa chọn loại máy chủ phù hợp với ngân sách.
Phụ thuộc vào máy chủ vật lý
Do được tạo thành từ một máy chủ vật lý, nên trong trường hợp máy chủ này gặp sự cố hoặc quá tải, website của bạn sẽ gặp tình trạng bị treo hoặc ngừng hoạt động.
Yêu cầu kiến thức chuyên môn để quản lý
Để có thể quản lý, tối ưu và phát huy hết sức mạnh của VPS, đòi hỏi người dùng cần có kiến thức, kỹ năng chuyên môn nhất định. Nếu không được cấu hình đúng cách, website của bạn sẽ tồn tại lỗ hổng bảo mật hoặc không đạt hiệu suất như mong muốn.
Người dùng cần có kỹ năng chuyên môn để có thể sử dụng và vận hành tốt VPS (Ảnh: Internet)
VPS là một trong những mô hình máy chủ có tính ứng dụng cao và được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực lập trình. Với những thông tin trên đây, Học Viện Công Nghệ Thông Tin hy vọng bạn đã hiểu được VPS là gì cùng những ưu, nhược điểm của máy chủ ảo. Đừng quên theo dõi các bài viết tiếp theo của Học Viện để có thêm những thông tin, kiến thức mới nhất về lĩnh vực Công nghệ thông tin bạn nhé!
Nếu muốn lĩnh hội thêm nhiều kiến thức, rèn luyện kỹ năng để làm việc và phát triển trong ngành lập trình, bạn hãy gọi đến số tổng đài 1800 255616 hoặc điền đầy đủ thông tin vào form bên dưới để được Học Viện Công Nghệ Thông Tin liên hệ tư vấn chi tiết và nhanh chóng về khóa học phù hợp.
Ý kiến của bạn